Các nhà thiết kế nội thất biết tầm quan trọng của các loại ánh sáng thích hợp trong bất kỳ không gian dân cư nào. Thiết kế ánh sáng đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra tâm trạng phù hợp và điều chỉnh bầu không khí của không gian nội thất. Các nhà thiết kế nội thất có các nguồn ánh sáng khác nhau giúp tạo ra các không gian chức năng có thể điều chỉnh theo nhu cầu cụ thể của khách hàng.
Trong thiết kế nội thất, bên cạnh yếu tố công năng, ánh sáng đóng vai trò đặc biệt quan trọng là thành tố chính tạo nên chất lượng thẩm mỹ và cảm xúc cho không gian nội thất. Ngày nay, các công trình kiến trúc – nội thất càng được quan tâm, đầu tư cho ánh sáng.
Phân loại ánh sáng trong thiết kế nội thất.
Cũng như trong kiến trúc nói chung, ánh sáng trong nội thất bao gồm ánh sáng tự nhiên và ánh sáng nhân tạo.
Ánh sáng tự nhiên
Ánh sáng tự nhiên là yếu tố chính tạo ra tương tác giữa nội thất và môi trường bên ngoài. Nguồn sáng tự nhiên từ các phương, hướng khác nhau có tác động rất đa dạng tới không gian nội thất. Một không gian nhận được nhiều ánh sáng tự nhiên sẽ luôn sinh động và tràn đầy sức sống. Trong đó, ánh sáng vào các thời điểm khác nhau trong ngày có những đặc điểm, tác động hoàn toàn khác nhau về mặt tâm – sinh lý với người sử dụng. Do đó, việc nghiên cứu hướng nhận sáng tự nhiên của một không gian nội thất rất quan trọng trong bố cục – sắp đặt nội thất, lựa chọn vật liệu cho nội thất…
Trong nội thất nhà ở, chất lượng ánh sáng tự nhiên mà một không gian nhận được là một trong những yếu tố tiên quyết để các nhà thiết kế phân khu công năng. Không gian bếp sẽ ấm cúng và dễ chịu hơn nếu có nhiều ánh sáng tự nhiên. Tuy nhiên, nguồn sáng tự nhiên lại không nên quá gần bếp nấu. Mặt khác, hướng và vị trí cửa sổ phòng ngủ quyết định phần lớn vị trí đặt giường ngủ. Với nhiều cách thức và thủ pháp xử lý không gian như rèm, decal dán kính, không gian nội thất thậm chí biến đổi rất nhiều.
Ví dụ màu sắc của rèm làm biến đổi ánh sáng, tạo nên hiệu ứng thị giác đôi khi tích cực, đôi khi tiêu cực. Đối với nội thất văn phòng, ánh sáng tự nhiên tác động mạnh mẽ tới năng suất làm việc. Cũng chính vì thế, mục tiêu của các nhà thiết kế và kỹ sư chiếu sáng là tạo ra những nguồn sáng nhân tạo gần nhất với tính chất ánh sáng mặt trời cho các văn phòng.
Trong những không gian nội thất trưng bày, bảo tàng, ánh sáng tự nhiên lại được ưu tiên lấy từ trên mái theo phương thẳng đứng. Khi đó, các tác động của bóng đổ, của sự thay đổi ánh sáng vào các thời điểm khác nhau trong ngày tới không gian nội thất có thể được hạn chế nhất. Cũng chính ánh sáng tự nhiên là tiêu chí hàng đầu để các nhà thiết kế lựa chọn công năng trưng bày cho không gian. Một phòng tranh với nhiều ánh sáng tự nhiên – không qua lọc tia UV là hoàn toàn không tốt cho những tác phẩm nghệ thuật.
Ánh sáng nhân tạo.
Trước kia, hệ thống chiếu sáng nhân tạo thường đơn giản, chỉ giải quyết một phần của yếu tố công năng là để nhìn thấy. Với yêu cầu ngày càng cao, chiếu sáng nhân tạo ngày càng được nghiên cứu và thiết kế kỹ lưỡng trong không gian nội thất để đáp ứng thêm những tiêu chí:
Chiếu sáng thẩm mỹ, ánh sáng kiến tạo không gian, hay ánh sáng thông minh – chơi cùng không gian…
Trong nội thất, màu sắc của ánh sáng, sự phân bố ánh sáng, cường độ chiếu sáng là một trong những yếu tố chủ đạo tạo nên chất lượng thẩm mỹ. Rõ ràng chúng ta đều biết sẽ không có màu sắc nếu không có ánh sáng. Do đó, sự tương tác giữa vật liệu và ánh sáng là điều kiện tiên quyết cần được quan tâm trong thiết kế nội thất.
Vào những thời điểm không có ánh sáng tự nhiên, màu của ánh sáng nhân tạo chi phối toàn bộ màu sắc mọi cấu kiện sàn – tường – trần và đồ vật nội thất. Sự phân bố ánh sáng trải đều hay nhấn, buông theo vùng tạo nên tính phân chia và độ sâu không gian nội thất khác nhau. Trong khi đó, cường độ ánh sáng có tác động lớn đến yếu tố sinh lý của mắt, cảm nhận của con người trong nội thất. Cùng với những yếu tố trên, thiết kế nội thất cần phân loại chiếu sáng theo tính chất và theo mục đích chiếu sáng.
>>> Xem thêm: Màu sắc trong thiết kế nội thất
Tính chất và mục đích ánh sáng trong thiết kế nội thất.
Theo tính chất, chiếu sáng thường được phân loại theo chiếu sáng trực tiếp và chiếu sáng gián tiếp.
Chiếu sáng trực tiếp thường phổ biến bởi hiệu quả về công năng “để nhìn thấy”, tuy nhiên, nếu không sắp đặt kỹ lưỡng, dễ gây cảm giác nhàm chán, thiếu cảm xúc.
Chiếu sáng gián tiếp thường được lựa chọn trong thiết kế nội thất để tạo ra sự êm dịu và cảm xúc cho không gian. Chính các khe sáng, ô sáng gián tiếp đồng thời là các yếu tố trang trí của không gian.
Theo mục đích, chiếu sáng được phân loại thành chiếu sáng chung, chiếu sáng tập trung và chiếu sáng trang trí. Chiếu sáng chung không chỉ được hiểu là chiếu sáng đều khắp mà cả là chiếu sáng theo vùng, theo điểm mà vẫn đủ đảm bảo cho sự nhận diện và những những hoạt động cần thiết.
Chiếu sáng tập trung tạo ra những điểm nhấn, qua đó làm nổi bật những đặc điểm cá tính riêng cho không gian nội thất. Những điểm nhấn nội thất được làm nổi bật, trong khi những thứ ít quan trọng hơn được làm mờ đi trong không gian.
Mặt khác, chiếu sáng tập trung còn giúp “kiến tạo”, phân vùng không gian cho những không gian nội thất mở. Tương phản sáng – tối là tính chất tiêu biểu của chiếu sáng tập trung. Không có giá trị công năng nhiều, chiếu sáng trang trí làm tăng giá trị thẩm mỹ của nội thất, tạo ra những hiệu quả thị giác gây chú ý.
Với những tính chất và mục đích đó, việc lựa chọn thiết bị trong chiếu sáng nội thất là vô cùng quan trọng, cần được cân nhắc song song với quá trình lựa chọn vật liệu nội thất. Thiết kế nội thất cần được bắt đầu hình thành ngay trong quá trình phác thảo kiến trúc. Cũng như vậy, thiết kế ánh sáng với hai yếu tố tự nhiên và nhân tạo cũng cần được thiết kế kỹ lưỡng để tạo những không gian ấn tượng nhưng thân thiện, tiện nghi và tạo ra những cảm xúc tích cực cho người sử dụng.
Nguồn: tapchikientruc.com.vn